vien

“BẪY” THAO TÚNG TÂM LÝ, BẠN ĐÃ HIỂU RÕ?

Gần đây, cụm từ “thao túng tâm lý” dần trở thành “hot trend” trên mạng xã hội. Công đồng mạng nhanh chống bắt trend một cách “vô tội vạ” để bản thân không trở thành người lạc hậu, đi sau trào lưu. Vậy có bao nhiêu người sử dụng cụm từ này đã biết được bản chất của nó? Và cụm từ thao túng tâm lý có được dùng trong mọi trường hợp hay không? Phòng Tư vấn tâm lý học đường sẽ cùng bạn tìm hiểu trào lưu này nhé!

  1. Theo bạn, thao túng tâm lý là gì?

Theo Healthline, “thao túng tâm lý” là một hình thức lạm dụng tâm lý, đánh lừa hoặc kiểm soát ai đó bằng cách khiến đối phương tin rằng nhận thức, niềm tin của họ là sai. Thao túng tâm lý có thể xuất hiện ở bất kỳ môi trường nào, từ bất cứ đối tượng độc hại nào. Với tính chất bí hiểm, âm thầm gây hại, thao túng, lạm dụng tâm lý làm tổn thương cảm xúc, lòng tự trọng, cuộc sống của mỗi nạn nhân. Những người từng bị lạm dụng tâm lý thường không thể miêu tả rõ ràng điều gì đã xảy ra với mình. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị thao túng đến mức tự hỏi có phải họ là người có lỗi, thậm chí họ có phải là người độc hại trong mối quan hệ đó.

  1. Một số hành vi thao túng tâm lý thường thấy
  • Bóp méo sự thật: Đây là một hình thức khá tinh vi đó là gây sự nghi ngờ cho chính bản thân nạn nhân. Từ đó khiến nạn nhân luôn nghi ngờ, đặt câu hỏi về động cơ, khả năng, năng lực của chính bản thân mình, dẫn đến sự do dự, thiếu quyết đoán trong việc đưa ra quyết định.
  • Rút lui, phớt lờ: Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của kiểu thao túng này là sự im lặng. Điều này tạo ra sự mất cân bằng quyền lực khiến nạn nhân khao khát được quay lại sự gần gũi hay sự tán thành như trước.
  • Sử dụng cảm giác tội lỗi như một chiến thuật: Người thao túng có xu hướng đóng vai nạn nhân hoặc nhắc lại về những ân huệ trong quá khứ, khơi dậy cảm giác đáp trả hoặc sự đồng cảm, cảm thông. Cuối cùng, họ có nhiều khả năng đạt được những gì họ muốn.
  • Tạo sự thân thiết gần gũi bất thường: Người thao túng tâm lý sẽ cố gắng ràng buộc với bạn thông qua mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên đây là một mối quan hệ phát triển khá nhanh và giả tạo và không bền vững. Họ khiến cho đối phương cảm giác gần gũi bằng lời khen ngợi và thể hiện tình cảm cuồng nhiệt như dội bom (love-bombing).
  • Gây hấn thụ động: Người thao túng sẽ tìm cách thể hiện bày tỏ gián tiếp để cho người kia biết rằng họ không thực sự muốn làm điều gì đó như: Sử dụng sự hài hước, châm biếm, im lặng để đối xử với bạn, từ chối những cuộc trò chuyện mang tính xây dựng, cố ý tạo sai lầm, trì hoãn trong việc thực hiện các hành động, thể hiện sự thất vọng hoặc không hài lòng, thể hiện sự phẫn nộ và thể hiện chống đối ngầm.
  • So sánh nạn nhân với những người xung quanh, đặc biệt sẽ là một hình mẫu lí tưởng nào đó mà nạn nhân quen biết. Điều này khiến nạn nhân hình thành trạng thái tự ti và không tin vào chính mình.

  1. Cách đối phó với những hành vi thao túng tâm lý

 Thao túng tâm lý có thể xảy ra từ những người thân trong gia đình, đồng nghiệp hoặc bạn bè. Hành vi trên có ảnh hưởng rất tiêu cực tới chất lượng cuộc sống. Nếu thường xuyên bị người khác thao túng tâm lý khiến bạn đau khổ, thì đây là mối quan hệ độc hại mà bạn cần tỉnh táo nhận ra, tìm cách giải quyết và bước ra khỏi mối quan hệ này.

  • Hiểu rõ giá trị của bản thân và một số quyền lợi cơ bản của con người, những quyền này là ranh giới để bảo vệ bạn trong cuộc sống, thao túng tâm lý cụ thể là tước đoạt quyền lợi từ bạn để họ có thể kiểm soát và trục lợi bằng một cách nào đó. Nhưng bạn hoàn toàn có thẫm quyền, sức mạnh và đạo đức để tuyên bố rằng, chính bạn, chứ không phải người thao túng, có khả năng thay đổi cuộc đời mình.
  • Tránh cá nhân hóa và tự trách mình: Trong một số trường hợp, người thao túng sẽ khiến bạn cảm thấy bản thân mình có lỗi vì không làm tốt một việc nào đó hay không làm hài lòng người thao túng. Trong những trường hợp như vậy, bạn nên trấn tĩnh bản thân, và tìm hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề, nhắc nhỡ bản thân rằng “Mình không có vấn đề gì cả”.
  • Kéo dài thời gian ra quyết định: Người thao túng thường muốn nạn nhân phải ra quyết định ngay lập tức, nhằm tạo áp lực và kiểm soát người bị thao túng, trong tình huống này thay vì phản hồi ngay lập tức bạn nên dừng lại suy nghĩ và làm chủ tình thế bằng cách phản hồi “Tôi sẽ suy nghĩ về điều này”
  • Biết cách nói “Không” nhưng phải thật khéo léo: Bạn nên nhớ những quyền cơ bản của con người mà bạn đang có bao gồm cả quyền được thiết lập sự ưu tiên, quyền được nói “không” mà không cảm thấy tội lỗi và quyền được chọn lối sống hạnh phúc, phù hợp với chính mình, và cách nói một cách khéo léo vẫn giúp bạn giữ được mối quan hệ với người thao túng.

Việc hiểu rõ bản thân, dũng cảm đối mặt với những người có xu hướng thao túng tâm lý người khác là cách tốt nhất để bảo vệ chính mình, ngăn chặn những hành vi thao túng tâm lý với ý đồ xấu.

 

Nguồn:

Sách Thao túng tâm lý- Shannon Thomas, LCSW.

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/communication-success/201406/how-spot-and-stop-manipulators