vien

BẠN NGHĨ GÌ KHI NÓI ĐẾN TRÌ HOÃN TRONG HỌC TẬP

   Trong cuộc sống ngày nay, việc trì hoãn không còn xa lạ với chúng ta. Theo ước tính trên trang Verywell, có khoảng 70-95% học sinh mắc phải chứng trì hoãn. Vậy khi nói đến trì hoãn, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên? Là lười biếng, sự trốn tránh, bỏ qua, sự dậm chân tại chỗ, … Điều này liệu có đủ để chúng ta hiểu về trì hoãn hay trì hoãn trong học tập? Một nghiên cứu thực hiện trên khách thể là học sinh trung học phổ thông đã chỉ ra thực trạng nhận thức của học sinh về trì hoãn trong học tập vẫn còn chưa đầy đủ và chính xác (Đặng Thị Kim Thy & cộng sự - Giải nhất sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka lần thứ 24 năm 2022). Để tiếp nối chuỗi series "Trì hoãn trong học tập - Nên hay không", bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm trì hoãn và đặc biệt là trì hoãn trong học tập.

   Theo Steel (2007) cho rằng, trì hoãn là tạm hoãn một hoạt động đã được dự định, mang tính chủ định, mặc dù biết rằng việc tạm hoãn đó sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực. Vậy tạm hoãn và trì hoãn khác nhau như thế nào, và làm sau đề phân biệt chúng?

   Trì hoãn được thể hiện qua bốn đặc điểm: trì hoãn là một dạng tạm hoãn (lùi lại thời gian để bắt đầu thực hiện hay hoàn thành nhiệm vụ so với dự định), trì hoãn có tính tự chủ (cá nhân tránh né nhiệm vụ cần ưu tiên phải hoàn thành tại thời điểm đó mà lựa chọn những hoạt động có mức ưu tiên thấp hơn như giải trí, vui chơi,…), hoạt động bị trì hoãn là hoạt động đã dự định từ trước (lùi việc thực hiện nhiệm vụ đã dự định từ trước), trì hoãn có tính vô lý (hiểu được những hệ quả có thể xảy ra nếu trì hoãn nhưng vẫn lựa chọn nó) (Nguyễn Ngọc Quang & cộng sự, 2017).

   Học tập là dạng hoạt động đặc thù của con người được điều khiển bởi mục đích tự giác là lĩnh hội những tri thức, giá trị, kỹ năng, kỹ xảo, và phương thức hành vi một cách khoa học và hệ thống theo phương thức nhà trường (Phạm Minh Hạc, 1996; Nguyễn Thị Tứ & cộng sự, 2018). Hoạt động học tập như là một quá trình diễn ra dựa trên các hành động học tập (Lê Văn Hồng, 2007). Và cá nhân phải thực hiện những hành động, nhiệm vụ học tập nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc thực hiện các nhiệm vụ này thường bị hoãn lại. Nói cách khác, trì hoãn trong học tập là hành vi chậm lại, hoãn lại hoặc chưa muốn bắt tay vào làm ngay việc thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu, mục tiêu học tập (Đặng Thị Kim Thy & cộng sự, 2022). Trì hoãn trong học tập không phải là một đặc điểm tính cách ổn định ở mỗi cá nhân, mà nó thay đổi theo thời gian (Moon và Illingworth, 2005). Trong đó, nó phụ thuộc vào sự tương tác giữa môi trường và nhiệm vụ học tập. Nghĩa là người học ý thức được họ cần phải hoàn thành nhiệm vụ học tập đó nhưng lại không thực hiện mà dành thời gian cho các hoạt động ít quan trọng hơn (thể hiện tính vô lý trong trì hoãn đã được đề cập ở trên).

   Tóm lại, sự trì hoãn trong học tập liên quan đến việc chậm trễ hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc dành thời gian cho các yếu tố môi trường xung quanh thay vì tập trung vào việc học. Người trì hoãn mặc dù biết rằng mình phải làm điều đó, có kế hoạch thực hiện, biết rằng việc hoàn thành nhiệm vụ học tập là cần thiết nhưng họ vẫn chậm trễ bắt tay vào làm, thay vào đó lại lựa chọn những hoạt động vui chơi, giải trí khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Đặng Thị Kim Thy, Nguyễn Trang Thùy Sương, Lại Thị Thắm, Trịnh Thị Quế Trân (18/05/2022). Xây dựng cẩm nang nâng cao nhận thức cho học sinh trung học phổ thông về trì hoãn trong học tập [Bài đăng kỉ yếu]. Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh.
  • Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng (1995). Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm. NXB Giáo dục, Hà Nội.