vien

PHẦN 2: MỘT NGÀN LÍ DO ĐỂ CHÚNG TA TRÌ HOÃN TRONG HỌC TẬP

Có 3 mức độ về trì hoãn trong học tập đã được chỉ ra trong các nghiên cứu, cụ thể như sau:

  • Mức độ nhẹ: Thời điểm bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đúng với dự kiến nhưng lại gặp khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ mà cuối cùng vẫn hoàn thành deadline đúng thời hạn.
  • Mức độ trung bình: Thời điểm bắt đầu trễ hơn so với dự kiến nhưng vẫn hoàn thành đúng hạn deadline.
  • Mức độ nặng: Thời điểm bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gần với thời hạn deadline và kết quả không hoàn thành được nhiệm vụ đúng hạn.

Từ mô tả trên, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hành vi trì hoãn trong học tập như vậy?

Xét về mặt khách quan, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số yếu tố như:

 Trong mối quan hệ dạy học và học luôn có sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, vì thế giáo viên được xem là yếu tố có ảnh hưởng đến sự trì hoãn trong học tập của học sinh. Giáo viên không kiểm soát được hành vi lớp học, ít quan tâm đến học sinh, bài giảng chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh là nguyên nhân làm học sinh trì hoãn. Ngoài ra, đặc điểm của giáo viên cũng ảnh hưởng đến sự trì hoãn của học sinh (quá dễ hoặc quá khó tính).  

  Phong cách nuôi dạy con cái và quan điểm giáo dục của ba mẹ cũng là yếu tố có ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn trong học tập. Sự kì vọng về thành tích học tập của cha mẹ đặt lên chúng ta càng cao vô hình chung càng tạo ra áp lực khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi thất bại, nảy sinh sự chần chừ trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, một nghiên cứu của Rosário và cộng sự thực hiện vào năm 2009 chỉ ra một sự mới lạ đó là số lượng anh chị em có liên quan tích cực và đáng kể đến sự trì hoãn trong học tập (càng nhiều anh chị em, càng nhiều sự trì hoãn).

  Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, ngoài gia đình thì trường học là nơi chúng ta dành phần lớn thời gian để sinh hoạt và học tập. Vậy nên không quá bất ngờ khi bạn bè cũng là những yếu tố cần lưu tâm. Với sự phát triển về xúc cảm, tình cảm ở giai đoạn này, mối quan hệ với bạn bè cùng các hoạt động giải trí luôn tạo cho chúng ta cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng, khiến chúng ta chậm trễ, không muốn bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ học tập.

  Tính chất của nhiệm vụ học tập cũng dễ dàng khiến chúng ta gặp trở ngại. Nếu một nhiệm vụ được đưa ra trên cơ sở áp đặt sẽ làm giảm hiệu quả làm việc của cá nhân, giảm sự tự chủ và hứng thú với nhiệm vụ (Deci & Ryan, 1985). Ngoài ra, nếu đưa ra nhiệm vụ quá dễ hoặc quá khó cũng khiến chúng ta dễ trì hoãn hơn.

  Cuối cùng là môi trường và không gian học tập. Bạn nghĩ sao khi mình học tập trong môi trường xung quanh toàn tiếng ồn, không đủ sáng hoặc quá sáng, quá nóng? Câu trả lời của bạn chính xác rồi đấy, bạn sẽ không thể tập trung hiệu quả và hành vi trì hoãn được thúc đẩy. Tương tự vậy, nguồn tài liệu học tập chưa đầy đủ cũng là điều cần lưu ý.

 Tóm lại, để giảm tình trạng trì hoãn của mình trong học tập, về mặt khách quan chúng ta cần lưu ý đến các yếu tố gia đình, thầy cô, bạn bè, tính chất và độ khó nhiệm vụ, môi trường và không gian học tập.