vien

PHẦN 2: MỘT NGÀN LÝ DO ĐỂ CHÚNG TA TRÌ HOÃN TRONG HỌC TẬP (P.2)

Bên cạnh những yếu tố khách quan thì chính bản thân chúng ta cũng được xem là trở ngại củng cố hành vi trì hoãn của chính mình trong học tập, vậy cụ thể là như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về yếu tố động cơ trong học tập. Động cơ giúp định hướng, duy trì và quyết định cường độ của hành vi của con người. Nghiên cứu cũng chỉ ra có mối tương quan nghịch giữa hành vi trì hoãn và động cơ bên trong. Chỉ khi chúng ta hiểu được giá trị của việc học, tham gia tích cực vào quá trình học tập và thực hiện những nhiệm vụ bằng sự đam mê, yêu thích thì sự trì hoãn trong học tập sẽ thấp. Nói cách khác, nếu mục đích học tập của chúng ta chỉ vì phần thưởng hoặc không có động cơ rõ ràng thì sự trì hoãn sẽ tăng lên.

Khả năng tự điều chỉnh kém cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn trong học tập (Tuckman & Sexton, 1989; Chu & Choi, 2005; Eckert & cộng sự, 2016; Steel, 2007; Kandemir, 2014; Senecal, Koestner và Vallerand, 1995; Bytamar & cộng sự, 2020). Cụ thể là khả năng điều chỉnh bản thân tập trung vào nhiệm vụ và loại bỏ những yếu tố gây nhiễu bên ngoài. Khi sự tự điều chỉnh kém sẽ làm chúng ta trở nên vô tổ chức và thiếu kỹ năng nhận thức (Rabin, Fogel & Nutter-Upham, 2011). Đồng thời chúng ta cũng không điều chỉnh được cảm xúc tiêu cực bằng những chiến lược phù hợp mà sẽ ứng phó bằng cách né tránh nhiệm vụ học tập.

Ngoài ra, việc định hướng né tránh mục tiêu, tiếp cận phương pháp và kế hoạch học tập chưa rõ ràng sẽ trì hoãn nhiều hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng định hướng giá trị về mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, quan điểm đối với thành công cũng có liên quan đến sự trì hoãn trong học tập (Gargari, Sabouri & Norzad, 2011; Grund & Fries, 2018). Nghĩa là nếu chúng ta cho rằng thành công có được là đến từ các yếu tố khách quan (bên ngoài) nhiều hơn thì hiệu quả của nhiệm vụ sẽ thấp hơn.

Tóm lại, những yếu tố trên (cả khách quan và chủ quan) làm chúng ta thêm sáng tỏ về trì hoãn trong học tập. Đây cũng là một trong những tiền đề quan trọng để chúng ta tìm ra những giải pháp cho bài toán trì hoãn này.