vien

CHUYÊN MỤC: CHUYỆN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG - PHẦN 2: OVERTHINKING – CÁCH ỨNG PHÓ?

  “Mọi vấn đề đều sẽ có cách giải quyết, nếu như không có cách giải quyết, thì nó không phải vấn đề”. Nếu bạn nghĩ rằng overthink sẽ như một vòng lặp và không có cách giải quyết triệt để, thì nội dung của tuần này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn “dễ chịu” hơn với vấn đề này. Bài viết tuần này cho chúng ta một vài gợi ý để có thể chống lại những suy nghĩ “tiêu cực”, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về cách ứng phó với  Overthink nhé!

          1. Tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên viên tham vấn:

Khi gặp bất kỳ một vấn đề liên quan đến tâm lý, mà bạn không thể tự mình giải quyết được, hãy tìm đến sự giúp đỡ của những chuyên viên tâm lý. Nơi sẽ giúp bạn tìm được những định hướng tối ưu nhất cho những vấn đề của mình.

          2. Thực hành chánh niệm:

Những bài tập thiền chánh niệm sẽ giúp bạn nhìn sâu được vào bên trong nội tại của mình nhiều hơn, thông qua đó, rèn luyện được sự tập trung nhìn nhận vấn đề, kiểm soát những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân một cách tốt hơn.

          3. Tập trung nhìn nhận lại vấn đề:

    Do chúng ta thường dễ dàng để những suy nghĩ tiêu cực được tự do xuất hiện, vậy nên việc tập trung nhìn nhận lại tầm quan trọng của vấn đề sẽ phần nào giúp bạn ngăn chặn sự xuất hiện của những suy nghĩ tiêu cực không cần thiết. Chúng ta tìm kiếm hướng giải quyết với những vấn đề quan trọng, đối với những vấn đề không thật sự quan trọng, có hay không cũng không ảnh hưởng đến chúng ta, thì hãy để  cho nó hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của bạn và không cần phải tìm kiếm hướng giải quyết cho chúng.

          4. Chia sẻ với người mà bản thân cảm thấy tin tưởng:

    Vì chúng ta luôn có nhu cầu được thông cảm và chia sẻ, vậy nên đôi khi vấn đề của chúng ta xuất phát từ việc bạn không cảm nhận được bản thân được ai đó đồng cảm và hiểu cho câu chuyện của bạn. Vì vậy, hãy tìm kiếm một người mà bản thân bạn cảm thấy tin tưởng để chia sẻ những vấn đề của bản thân. Đừng quên nói với đối phương điều bạn cần là gì, có thể là cần “một người lắng nghe” hoặc cần “lời khuyên”,...Đừng ngần ngại khi chia sẻ vấn đề với người bạn tin tưởng.

          5. Tập trung vào vấn đề hiện tại:

    Như đã đề cập đến trong bài tuần trước, chúng ta đôi khi chưa vượt qua được câu chuyện trong quá khứ, hoặc quá lo lắng về những chuyện sắp xảy ra. Vậy nên đó là lúc bạn cần tập trung vào vấn đề hiện tại của bạn, chuyện đã xảy ra thì không thể thay đổi, chuyện chưa xảy ra thì không cần phải lo lắng, tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng ở hiện tại sẽ giúp bạn giảm bớt biểu hiện của overthinking.

          6. Hãy để bản thân được nghỉ ngơi:

    Làm việc quá sức trong thời gian dài khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Vì thế, hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi khi sức khỏe tinh thần có dấu hiệu mệt mỏi. Nghỉ ngơi để bản thân được thoải mái, từ đó sẵn sàng cho hành trình tiếp theo.