“Đồ vô dụng, chẳng làm gì ra hồn!”, “Tại sao người như mày lại tồn tại!”…
Những câu nói này chắc hẳn đã quá quen thuộc với bạn. Nó xuất phát từ một ai đó khi đối mặt với thất bại hay lỗi lầm, nó cũng có thể là “tiếng nói nội tâm” mà chúng ta đang chỉ trích chính bản thân mình. “Tiếng nói” này liên tục xuất hiện trong đầu chúng ta, nó liên tục chỉ trích, coi thường và phán xét (có thể là vấn đề ở hiện tại, dự đoán tương lai hay phán xét quá khứ), nó đánh giá người khác và hoàn cảnh xung quanh.
Vậy khi nào kẻ chỉ trích nội tâm xuất hiện?
Chính những “tiếng nói” này khiến ta nghĩ rằng bên trong bản thân chúng ta luôn có một nhân cách khác, luôn theo dõi và phân xét mọi hoạt động của chúng ta. Những “kẻ” này xuất hiện mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, đó có thể là một sự ăn mừng, đưa ra một cái vỗ vai ghi nhận xứng đáng hoặc nó có thể là sự xoa dịu, khuyến khích, tha thứ, thông cảm hoặc truyền cảm hứng. Nhưng nó cũng có thể tàn nhẫn hơn đó là tìm kiếm lỗi lầm, không ủng hộ, gây tổn thương. Cái tôi của chính bạn đang ghét bỏ, “bạo lực” bạn bằng những lời nói lăng mạ và khinh thường như “mày thật vô dụng, kẻ thất bại, không xứng đáng với kì vọng của ba mẹ”. Những điều này khiến ta mắc kẹt với những sai lầm trong quá khứ hoặc khiến ta tê liệt trong hiện tại bởi những lời chê bai.
Những “kẻ” này có ảnh hưởng như thế nào?
Một số người coi những “nhà phê bình nội tâm” là một cách để giúp chúng ta nhận thức được những sai lầm và tìm ra nguyên nhân của vấn đề, từ đó thay đổi hướng đi và làm những điều khác biệt. Nếu duy trì một cách tích cực thì sẽ giống như là đòn bẩy thúc đẩy con người phát triển và hoàn thiện bản thân hơn, không tự mãn với những thành tích mình có.
Bên cạnh đó, một số người xem “nhà phê bình nội tâm” như một cách để ngược đãi bản thân. Cá nhân có thể tự kiểm điểm để nhằm mục đích trả đũa những sai lầm bản thân, có thái độ ghê tởm, xóa sạch hoặc làm tổn thương cảm xúc của bản thân, hoặc xoa dịu nỗi đau nội tâm bằng cách trừng phạt bản thân bằng hành vi ngược đãi cảm xúc. Những người có xu hướng chỉ trích bản thân nhiều hơn những người khác sẽ thường dễ căng thẳng và âu lo, chán ăn và thậm chí suy nghĩ về việc tự tử.
Vậy chúng ta vượt qua những “kẻ chỉ trích nội tâm” bằng cách nào?
Để chiến thắng những “kẻ chỉ trích nội tâm” thì việc hiểu và công nhận chính mình chiếm vai trò quan trọng, mọi sự thay đổi ngoài kế hoạch đôi khi khiến bạn khó chịu nhưng với một gốc nhìn tích cực, chấp nhận lỗi lầm và mong muốn bản thân tốt đẹp hơn trong tương lai là một bước tiến đáng được công nhận.
Xác định được những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân: biết những thế mạnh của mình để có thể lựa chọn những công việc, hướng đi tốt hơn cho bản thân, tránh vấp phải sai lầm. Nhận biết rõ được những điểm yếu, những điểm chưa tốt để lên kế hoạch cải thiện, rèn luyện và trau dồi bản thân tốt hơn.
Sử dụng bài tập “Chiếc ghế từ bi”: “Chiếc ghế” đầu tiên đại điện cho tiếng nói tự phê bình, “chiếc ghế” thứ hai là cảm xúc khi bản thân bị đánh giá, “chiếc ghế” thứ ba thể hiện quan điểm một cách khách quan và nhiều chiều. Chúng ta được khuyến khích di chuyển giữa các “ghế” để nói lên các quan điểm khác nhau, trải nghiệm một cách có ý thức về cảm giác thể chất và cảm xúc đi kèm.
Các nghiên cứu cho thấy lòng trắc ẩn làm giảm sự chỉ trích bản thân. Hãy xem những “Kẻ chỉ trích nội tâm” như một người bạn đang gặp khó khăn: Ta sẽ an ủi họ như thế nào? Ta có những lời khuyên nào dành cho họ? Một cách khác, bạn có thể tập nói chuyện với chính mình, nghe có vẻ “điên rồ” đúng không? Việc nói chuyện với chính mình một cách quan tâm và tử tế như khi ta nói với bạn bè khiến bạn cảm thấy như được vỗ về và xoa dịu. Ngoài ra, ta cũng có thể muốn sử dụng các kỹ thuật chánh niệm và thiền định để rút hết uy lực từ những lời chỉ trích nội tâm. Chánh niệm và thiền định có thể giúp ta học cách làm im lặng tâm trí và tập trung sự chú ý vào hiện tại. Chúng khuyến khích ta quan sát suy nghĩ của mình một cách không phán xét.