vien

CHUYÊN MỤC: CHUYỆN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG - PHẦN 6: SERIS "ĐẨY LÙI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG" - CHẤM DỨT BẠO LỰC TINH THẦN – KHÔNG AI PHẢI CHỊU TỔN THƯƠNG

Thân chào các bạn học sinh Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm!

Đến hẹn lại lên.

Tuần này chúng ta sẽ đi đến phần cuối của chuỗi seri về bạo lực học đường. Bên cạnh bạo lực thể chất đã được nhắc trong bài đăng trước, thì bạo lực học đường còn có “kiểu bạo lực điển hình” đó là bạo lực tinh thần. Mặc dù không có hình thức cụ thể nhưng bạo lực tinh thần cũng để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây tổn thương sâu sắc đến tâm lý của nạn nhân. Vì vậy, hôm nay chúng ta đi vào tìm hiểu về bạo lực tinh thần và cách ứng phó.

Bạo lực tinh thần có thể xuất hiện dưới dạng: lời chửi mắng, tạo tin đồn, tẩy chay, hoặc miệt thị…. Tất cả đều gây ra tổn thương đến tinh thần không kém bạo lực thể chất!

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân của bạo lực tinh thần. Sau đây là những dấu hiệu để nhận diện hành vi bạo lực tinh thần ở học đường:

  • Quấy rối với những thông điệp, tin nhắn, bình luận, hình ảnh gây khó chịu hay xấu hổ.
  • Phỉ báng bằng cách chia sẻ thông tin sai lệch nhằm mục đích chế giễu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
  • Khiêu khích với ngôn ngữ công kích.
  • Mạo danh danh tính để gửi hay đăng các tin đồi truỵ, hoặc các tài liệu (bài viết, hình ảnh, đoạn ghi âm, clip,…) khiến nạn nhân xấu hổ.
  • Tẩy chay, cô lập, loại bỏ khỏi tập thể (bao gồm cả các tập thể trên thực tế và các nhóm trên mạng).
  • Phát tán và lừa đảo, dùng thông tin riêng tư bị đánh cắp để công khai hoặc chuyển cho người khác nhằm lừa đảo người thân, bạn bè.
  • Rình rập trực tuyến.

Bạo lực tinh thần ở trường học có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, nếu chúng ta rơi vào huống này, ta có thể:

  • Tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc một chuyên gia tâm lý.
  • Giữ lập trường và tự tôn để giảm tác động của bạo lực tinh thần.
  • Ghi chép sự việc để có bằng chứng và hỗ trợ trong việc giải quyết vấn đề.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà trường hoặc cơ quan có thẩm quyền
  • Nắm vững kỹ năng giải quyết xung đột và thể hiện cảm xúc một cách lịch sự.
  • Tham gia vào các hoạt động xã hội và xây dựng mối quan hệ xã hội khác ngoài tình huống bạo lực.
  • Bảo mật thông tin cá nhân trực tuyến và tránh chia sẻ quá nhiều thông tin trên mạng xã hội.
  • Tham gia các hoạt động, chương trình giáo dục về bạo lực học đường để nâng cao nhận thức nhằm học hỏi các kỹ năng ứng phó với vấn đề này.

Chúng ta hãy cùng chung tay để chấm dứt bạo lực tinh thần và xây dựng môi trường học tập an toàn cho mọi người và cho chính chúng ta. Đừng để bất kỳ ai phải trải qua sự tổn thương của bạo lực tinh thần!