vien

Phải đối phó thế nào khi gặp trộm, cướp?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hô hoán hay chống cự khi tên cướp đang uy hiếp chỉ khiến cho tình hình thêm nguy cấp. Điều này cũng giống như việc giáo dục các em bé không nên nhảy xuống sông cứu bạn luôn nếu thấy nguy hiểm mà phải tìm người lớn đến giúp, như vậy là tránh thêm một cái chết nữa có thể xảy ra. Vậy phải đối phó thể nào khi gặp phải các tình huống đối mặt với các đối tượng trộm, cướp? Câu trả lời được nhiều người tán thành đó là hãy tự học cách bảo vệ mình đơn giản nhất và giáo dục trẻ em làm theo. Như vậy, xã hội sẽ không giật mình vì những cái chết quá thương tâm và đau đớn. Một cán bộ của Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ Công an) cho rằng: Thông thường khi tội phạm xông vào uy hiếp đe dọa gia chủ, bạn cần phải bình tĩnh bảy tỏ thái độ hợp tác làm theo mọi yêu cầu của bọn cướp bằng cách không nên có những hành động bất thường và giữ cho đôi tay của bạn luôn ở trong tầm mắt của bọn cướp để chúng thấy rằng bạn không có ý định chống đối. Tuy nhiên, trong khi thực hiện những yêu cầu này, bạn cần nhận dạng và nắm các đặc điểm của tên cướp như: những vết sẹo, hình xăm trên mặt hay trên cơ thể tên cướp (nếu có), chiều cao, dáng dấp gầy hay béo… Nếu có thể, bạn cũng nên bình tĩnh thương thuyết với tên cướp để có cơ hội nhận dạng giọng nói của đối tượng nhằm mục đích sau này cung cấp cho cơ quan điều tra. Ngoài ra ngay sau khi tên cướp bỏ đi, bạn không nên đuổi theo tên cướp mà phải báo cho cảnh sát hoặc bảo vệ, đồng thời không động vào hoặc di chuyển đồ đạc tại hiện trường.