vien

Bài viết 12CV niên khoá 2018-2021

    “Sài Gòn bao nhớ…” (Đàm Hà Phú) – một bức tranh ngôn từ thu nhỏ mà chất đầy những gam màu, những thanh âm và mùi vị hòa lẫn vào nhau tạo nên hai tiếng “Sài Gòn”.

    Một ngày chiều vội vã giữa lòng thành phố, tôi tìm về với những khoảng không của riêng mình, tìm về với dư vị của những trang sách đượm màu thời gian nhưng vẫn còn đó những dòng cảm xúc chưa một lần phai nhạt. Nép mình vào một góc nhỏ của quán cà phê quanh quẩn mùi trà thơm nhẹ bên cánh mũi, tôi tránh xa những ồn ào vội vã ngoài lớp cửa kính trong suốt, tự thưởng cho mình vài phút suy tư để đắm chìm vào những dòng tâm trạng của “Sài Gòn, bao nhớ…”. Một cốc nước nhỏ, một vài cái bánh quy vụn vặt cùng quyển sách giản dị của chú Đàm Hà Phú, tôi đột nhiên cảm thấy hình như mình vừa tìm lại được một tình yêu mới, một tình yêu với Sài Gòn…

      Đàm Hà Phú – một con người đến từ Nha Trang nhưng lại dành trọn tình yêu đời mình cho Sài Gòn. Trong những lời giới thiệu đầu của “Sài Gòn, bao nhớ…”, chú tâm sự rằng mình “đã từng đi toàn Việt Nam mà chưa đi hết Sài Gòn, đã từng viết đủ mọi thứ mà chưa viết đủ về Sài Gòn, đã từng yêu mọi nơi mà chưa yêu trọn Sài Gòn”. Nói cho chú, hay nói cho cả nỗi lòng của những người con Sài Gòn. Nếu được hỏi bạn đã bao giờ đi hết Sài Gòn chưa? Nếu được hỏi bạn đã bao giờ ngắm nhìn Sài Gòn bằng đôi mắt không gợn chút tạp nham cuộc sống để thấy ở nó những vẻ đẹp đơn sơ, thuần túy nhất? Nếu được hỏi bạn đã bao giờ nhớ Sài Gòn giữa lòng Sài Gòn như một nỗi nhớ thật lạ mà đong đầy? Bạn có tự tin trả lời “tôi đã từng”? Hầu như chẳng ai có thể thốt lên câu nói ấy, ngay cả những đứa con Sài Gòn “chính hiệu” như tôi. Đọc “Sài Gòn, bao nhớ…”, chú Hai Phú – cái tên thân quen mà mọi người vẫn thường gọi – như kể, lại như gợi về những tình cảm, những mảnh đời rất thật của con người Sài Gòn chân chất mà nhiệt thành, đáng yêu đáng mến.

     Trong một buổi chiều an tĩnh, tôi đã như vậy trầm ngâm thả mình vào những dòng cảm xúc của  “Sài Gòn, bao nhớ…”. Có thể nói, hiếm có quyển sách nào có thể mang lại sự yên bình, nhớ nhung đến lạ như của chú Hai. Chú đâu có dùng những từ hoa mỹ, vì với chú Sài Gòn vốn không phải là một thành phố quá đỗi xa hoa, lộng lẫy. Chú không dùng quá nhiều sự trau chuốt cho câu văn vì chú muốn chỉ đơn giản là một quyển sách về Sài Gòn cũng phải “thật”, phải “gần”, phải “quen” như chính đặc tính Sài Gòn. Chú cũng chẳng hi vọng sách của mình bán chạy hay cháy hàng, bởi với chú Hai thì đây là một nơi cất giữ những kỉ niệm, hồi ức quý giá nhất với chú hơn là một sản phẩm để rao bán. Hay như cô Trác – cái tên mà chú thường gọi nhà báo Trác Thúy Miêu – cũng góp một phần viết nhỏ vào “Sài Gòn, bao nhớ…” : “Cái duyên nhiều chuyện của anh Đàm Hà Phú – anh Hai Sài Gòn của tôi, là cái tài kể chuyện làm sao khơi cho người ta thèm kể lại chính những câu chuyện riêng của mình, những nhân chứng của ký ức Sài Gòn…”. Phải chăng, vì muốn thỏa nỗi niềm của một “ông chú nhiều chuyên duyên thiên bẩm” luôn luôn dành phần tình cảm “thiệt bự” cho Sài Gòn mà “Sài Gòn, bao nhớ…” đã ra đời. Một quyển sách có thể khiến bất kì ai cũng có thể mỉm cười hay rơm rớm nước mắt chỉ vì trông thấy đâu đó chính bản thân mình giữa Sài Gòn qua những mẩu truyện nhỏ vụn vặt mà quý giá của chú Hai.

     Ai cũng từng có những phần kí ức riêng biệt gắn liền với Sài Gòn. Ai cũng từng một lần hay thậm chí nhiều lần nếm qua đĩa cơm “sà bì chưởng” thật ngon, thật ưng bụng của Sài Gòn. Ai cũng từng có những mối tình dù ngắn ngủi hay dài lâu giữa lòng Sài Gòn như “Chuyện tình Bé Sáu Te”. Hay thậm chí là bất kì mỗi con người đang sống và làm việc ở Sài Gòn đều ít nhất một lần trông thấy cái tình, cái lương thiện của người dân nơi đây được gợi nhắc qua “Món nợ bảy cây vàng” hay “Chuyện ở tiệm phở”… Chú Hai đi nhiều, thấy nhiều, nên kể cũng…nhiều. Nhưng mà những câu chuyện của chú không làm người ta chán, chẳng bao giờ khiến người ta muốn bỏ ngang, vì chuyện của chú cũng như chuyện của tôi, của người, của đường phố Sài Gòn mà ! 

    “Nhưng mà, yêu ai thì yêu chớ đâu có được bao che hết mọi góc khuất của nó phải hông chú Hai ?” Hỏi chú, tôi cũng như tự hỏi bản thân mình. Bởi cái tả của chú phải quá chân thật đi, không giấu, không giếm cứ như vậy bê nguyên xi bản chất, cốt cách Sài Gòn vào từng trang sách. Không chỉ là “Thành phố không ngủ” với những vẻ đẹp dù ngày lẫn đêm vẫn làm xao xuyến người lữ khách phương xa, chú Hai Phú còn gợi nên một Sài Gòn chân thật như gần ngay sát bên với “những bến xe đầu này đầu kia của thành phố, của hàng quán dành cho khách lữ hành muôn đời tạm bợ với đồ ăn dở và những tiếng chửi thề, của giới xe ôm ca đêm bặm trợn xăm trổ, của những kẻ lỡ chuyến ăn ngủ vật vạ trên mấy chiếc chiếu nhỏ, của mùi nước đái nồng nặc mùi rượu, của hủ tiếu gõ mà tiếng gõ như hòa vô nhịp đời lắng xuống lại dậy lên theo từng chuyến xe ra vào bến, của những con người đến rồi laị đi…” Bởi mới nói, Sài Gòn như thật gần, như thật thân thương, lại có cái xô bồ cùng hỗn loạn đúng chất một thành phố của những dòng người, dòng xe tấp nập .

     Và cứ như vậy, cả một thế giới, cả một cuộc đời và thế hệ của mỗi người Sài Gòn lại được tái hiện vô cùng gần gũi và thân quen qua từng trang sách. Trang sách chú Hai không nồng cái mùi hào nhoáng, phóng túng của mà thơm đậm cái tình, cái nghĩa, cái chất bụi bặm vốn có thuộc về riêng sài Gòn. Kể cả là những hàng gánh, những cửa tiệm, những mùi thơm nô nức hay những tạp nham, xô bồ của xã hội về đêm, đều quy tụ hình thành nên cốt cách Sài Gòn. 

     Nhưng mà phải đến khi người ta đặt chân ra khỏi Sài Gòn, lưu lạc và sinh sống ở nơi đất khách quê người thì người ta mới nhớ những tháng ngày sống giữa lòng Sài Gòn. Tôi có một người cô, cô lấy chồng ở một đất nước xa lạ và rồi cũng sống luôn ở đất nước xa lạ đó. Một dịp tình cờ, tôi gửi cho cô quyển sách “Sài Gòn, bao nhớ…” của chú Hai Phú. Ở một đất nước phía bên kia nửa vòng Trái Đất, cô nhắn tin bảo tôi : Cô nhớ Sài Gòn, nhớ nhà mình quá… ! Đó, có những thứ gần ngay sát bên mà ta cho là bình thường, là đương nhiên nhưng một khi cất bước ra đi mới thấy nhớ da diết, nhớ đứt ruột. Sài Gòn cũng vậy !

     Sài Gòn trong mắt chú Đàm Hà Phú, Sài Gòn trong mắt những người con Sài Gòn, Sài Gòn trong ánh nhìn của những lữ khách tha phương, đều mang đầy nỗi nhớ. Chính cái tánh, cái nết thoải mái, phóng khoáng đậm chất người dân Nam Bộ đã tạo nên cho Sài Gòn, cho “Sài Gòn, bao nhớ…” một nét sống riêng biệt mà chỉ nơi đây mới có. “Ai từng sống ở Sài Gòn, dù ghét dù yêu, dù đã ra đi tìm miền đất hứa hay quay về cố xứ sinh nhai, đều nhớ Sài Gòn, ai từng một ngày một bữa ở Sài Gòn, ăn đĩa cơm tấm, tô hủ tíu bụi bặm, đi xe ôm lang bạt, ngủ nhà trọ bến xe…đều sẽ nhớ Sài Gòn, nhớ cái ồn ào bụi bặm, nhớ một mảng đời lộn xộn ngược xuôi, mạnh ai nấy sống nhưng yên tâm là ai cũng sống được, dù rất khác lạ, nhưng cũng rất thân quen rất nhớ”- chú Hai Phú đã viết.

     Như chú Hai Phú, như tôi, hay như chúng ta, mỗi ngày, đều nhớ về Sài Gòn. Bởi, “Sài Gòn, bao nhớ…” mà, một cái nỗi nhớ lạ, nhớ lùng mà hầu như ai cũng có. Đọc “Sài Gòn, bao nhớ…” của chú Đàm Hà Phú, để tìm thêm cho mình một chút yêu thương, một chút nhớ nhung thật nhẹ giữa lòng thành phố Sài Gòn. Và sau bao năm tháng xuôi ngược dọc ngang của đời người, chúng ta lại nhớ về Sài Gòn như thuở mới sinh ra, như thuở còn bé chạm tay vào những nhịp sống đầu tiên ở Sài Gòn.

 

Huỳnh Thị Ngọc Nhi – 12CV