vien

Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ - 11CV NK.19-22

Đề:Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ.” (Viên Mai)

Bài làm

Nhà phê bình Nga Bielinski từng nói: "Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật." Quả thật một bài thơ có giá trị là khi nó và thể hiện được tư tưởng tình cảm của người nghệ sĩ, là khi nó viết lên bằng những dòng thơ, những câu thơ chân thành, bắt nguồn từ thẳm sâu trái tim người viết. Song, nếu muốn thơ là cầu nối giữa tác giả và bạn đọc thì "nội dung và hình thức luôn thống nhất chặt chẽ với nhau". Bàn về giá trị ấy của thơ, trong tập thơ cổ "Trung Hoa Cổ kim hoàn ca tập", Viên Mai đã viết: “Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ.”

Từ rất lâu về trước, nhiều nhà phê bình văn học đã đi tìm một định nghĩa cho "Thơ", nhưng không có một định nghĩa nào thỏa đáng cả. Nhưng xét cho cùng, thơ có thể hiểu là một thể loại văn học thuộc phương thức trữ tình, ngôn từ cô đọng, có nhạc tính. Thơ bắt nguồn và đơm hoa kết trái từ sự rung động của tác giả, "vận chuyển" đến người đọc bằng cảm xúc mãnh liệt. Khi ấy, nội dung của thơ ca được ví như "rễ", phần nằm sâu trong lòng đất, là bộ phận quan trọng, hút dinh dưỡng cho cây. "Rễ” quan trọng như vậy nhưng nó lại khó thấy, “bắt nguồn từ lòng người”, thơ bắt nguồn từ thẳm sâu trong trái tim người viết, từ những xúc cảm ngọt ngào.Và, sau khi hút chất dinh dưỡng ấy, nó sẽ "nở hoa". Đó là sự thăng hoa của nghệ thuật, mà cụ thể ở đây là “từ ngữ”. Từ ngữ trong thơ ca cũng chính là chất liệu được thi sĩ mã hóa, sàng lọc từ cuộc đời để tạo ra những câu thơ tinh túy nhất. Tóm lại, Viên Mai đã mượn hình ảnh của "rễ" – "xương sống" của cây và chức năng của nó, ông đã khẳng định mối quan hệ mật thiết của hai khía cạnh quan trọng trong thơ ca là nội dung và nghệ thuật từ ngữ. Chính nhờ những con chữ bay bổng, cảm xúc từ tận đáy tim của tác giả mới được thăng hoa, bùng cháy.

  1. Bàn luận

Nhận định của Viên Mai quả là rất sâu sắc và xác đáng khi nói lên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai phạm trù văn học để dệt nên một bức tranh thơ có giá trị. Con người bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận của tâm hồn nghệ sĩ. Thơ giải bày hộ con người những điều ẩn khuất mà tác giả đã cảm nhận, nó đi sâu vào con người bằng những hy vọng và ước mơ, nhưng cũng có khi lại là sự thất vọng, đau thương của kiếp sống con người. Sẽ "chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép", sẽ chẳng có thơ khi người làm thơ không tìm được sợi dây giao nối với cuộc đời để tâm hồn được ươm trồng, nảy nở. Khi ấy, những cảm xúc thơ có thể thức tỉnh, giúp ta “giật mình bởi một tiếng lá rụng”, để giúp ta sống người hơn, có ích hơn. Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của một thi sĩ. Từ ngữ đẹp, có sức gợi sẽ mang đến giá trị thẩm mỹ cho thơ ca, khơi gợi ấn tượng thẫm mỹ trong lòng người đọc. Nhờ đó, tác phầm sẽ được độc giả đón nhận và sẽ vang mãi trong trái tim của họ.Từ ngữ trong thơ hàm súc, cô đọng, chính xác và đặc biệt khi ghép lại thành những vần thơ, nó phải có tính nhạc để thông qua từng con chữ, thi nhân có thể truyền tải những điều tế nhị, sâu kín, và “nở hoa” trong lòng người đọc.

Như câu nói của Bielinxki: “Nội dung và hình thức gắn bó như tâm hồn với thể xác”. Nội dung và hình thức luôn gắn liền, hỗ trợ và bổ sung cho nhau; không thể tách rời. Thơ ca là “bắt rễ” từ “lòng người”, bộc lộ xúc cảm mãnh liệt, chân thành trước những rung cảm cuộc đời. Mà ngôn ngữ thơ chính là phương tiện truyền tải những rung động tinh tế ấy. Thế nên, nội dung đặc sắc và vẻ đẹp của từ ngữ đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cho tác phẩm thơ, hướng con người đến Chân – Thiện – Mĩ.

Dù cho là thơ ca trung đại hay hiện đại, một bài thơ thành công cũng phải hội tụ đủ hai yếu tố trên. Trần Tế Xương là nhà thơ trào phúng bậc thầy trong nền văn học Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn có một kho tàng về thơ trữ tình, chứa chất bao nỗi niềm của một nhà nho nghèo về tình người và tình đời sâu nặng, trong đó phải kể đến “Thương vợ”.

Trong hai câu cuối của bài thơ “Thương vợ”, Tú Xương sử dụng từ ngữ thông tục, ông đã mượn tiếng chửi nơi “mom sông” lúc “buổi đò đông” đưa vào thơ rất tự nhiên, bình dị. Ông tự trách mình:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cùng như không.”

“Thói đời”, đó là cái bất công trong xã hội “trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ phải tảo tần gánh vác gia đình nhưng lại không được trân trọng. “Thói đời” là những đức ông chồng không thể thấu hiểu, san sẻ những cực nhọc mà vợ mình phải chịu. Lấy tiếng chửi “cha mẹ” nhưng thực chất lại đang chửi chính bản thân mình, là sự dằn vặt, áy náy, đau đơn của ông Tú, dù yêu thương nhưng lại không thể làm gì để giúp đỡ vợ, ông tự trách mình “hờ hững”. Ấy không chỉ đơn thuần là tiếng chửi mà còn là giọt nước mắt bi kịch của ông Tú, ông đau đớn đến mức tiếng chửi cũng phải văng ra, như để vơi bớt nỗi lòng. Đó cũng chính là cái bất lực, cái bi kịch của trí thức có tâm đương thời.

Ngoài ra, bài thơ “Thương vợ” được viết bằng chữ Nôm, từ ngữ trong bài được sử dụng hết sức giản dị, trong sáng, dễ hiểu, gần gũi với nhân dân, nổi bật qua hai câu thơ sau:

“Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm năng mười mưa dám quản công.”

Tế Xương mượn cấu trúc đếm số của ca dao dân ca Việt Nam xưa “một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa”, nó được ông đàn cài rất khéo léo. Duyên ở đây là hạnh phúc do trời định sẵn để đôi bên thành vợ, thành chồng. “Nợ” lại chính là mối duyên xảy ra không ưng ý. Duyên ở đây thì ít (một duyên) mà nợ ở đây thì nhiều (hai nợ). “Nắng”, “mưa” lại chính là những khó khăn mà bà Tú phải chịu. Sống với ông Tú khó khăn, khổ cực là thế, nhưng đã là duyên số với nhau thì bà Tú không oán trách, không phàn nàn, “âu đành phận”, “dám quản công”. Đó không phải là sự miễn cưỡng mà là ân cần, sẵn sàng gánh vác. Và ông Tú cảm thông cho sự khó nhọc của bà Tú, cũng như trân trọng tấm lòng bao dung, cao cả, giàu đức hy sinh của vợ mình.

Tú Xương đã vận dụng thuần thục, khéo léo thành ngữ, tục ngữ của dân gian, cùng những từ ngữ bình dị để diễn tả tâm trạng từ sâu trong lòng mình. Câu thơ mang đậm chất dân gian ấy như sự tự trách cùng trân trọng dành cho đức tính hy sinh của bà Tú. Có thể nói, thơ của Tú Xương đã đạt trình đồ kết hợp nhuần nhuyễn về sự hài hòa giữa tư tưởng nội dung và nghệ thuật sử dụng ngôn từ.

Thế mới biết, một tác phẩm thơ ca có giá trị, đích thực và bất hủ khi hội tụ đủ hai yếu tố tư tưởng nội dung sâu sắc ý nghĩa và hình thức trau chuốt, mới lạ, độc đáo. Tuy việc của nhà thơ là tìm được tiếng nói tri âm nhưng không vì thế mà đánh mất đi tiếng nói của riêng mình, không được chạy theo thị hiếu mà quên đi bản ngã nghệ thuật, nhà thơ phải có giọng văn, từ ngữ của riêng mình.

Bài học cho thi nhân là phải có cái tâm và cái tài, phải mài dũa ngòi bút của mình sao cho thật sắc bén để làm nên những vần thơ mềm mại và đủ sức gợi để ghi ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc. Về phần độc giả cần, khi đọc một tác phẩm thơ cần chú ý đến hai khía cạnh của thi phẩm, là nội dung và hình thức. Có như thế mới tạo được sự đồng điệu, gắn kết giữa người cầm bút và người tiếp nhận. Bởi “Thơ là điệu hồnđi tìm những hồn đồng điệu”.

Chính vì thế, “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”. Có lẽ tác phẩm chân chính là như vậy chăng? Bằng giai điệu dịu dàng, êm nhẹ của những từ ngữ “nở hoa”, những câu thơ đã “bắt rễ” và “nở hoa” trong lòng người đọc bằng cái tâm và tài của thi sĩ. Quả thật, “Thơ bắt rễ từ lòng người, nỡ hoa nơi từ ngữ.”